Dưới sự tác động của công nghệ và môi trường hiện nay, các công ty Việt Nam quan tâm nhiều hơn về chuyển đổi số và có những bước đi mới trên con đường số hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có những nhu cầu chuyển đổi số giống nhau bởi nó còn tùy thuộc vào quy mô, đặc điểm ngành và những rào cản họ gặp phải. Do đó, các nhà quản lý cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc và xác định nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp để triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Rào cản và khó khăn của doanh nghiệp khi chuyển đổi số
Các rào cản chính trong chuyển đổi số
Hạn chế về nguồn tài chính
Các dự án chuyển đổi số thường tốn nhiều chi phí đầu tư. Trong khi năng lực tài chính của đa số doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế. Chi phí triển khai chuyển đổi số bao gồm nhiều chi phí như:
- Đầu tư các công cụ, công nghệ số;
- Đổi mới quy trình và đào tạo nhân sự sử dụng, thích ứng với công nghệ và quy trình mới;
- Đầu tư cho cơ sở hạ tầng thông tin: Khi triển khai một số hệ thống công nghệ thông tin, doanh nghiệp sẽ phải tăng đầu tư và chi phí vận hành. Thậm chí, trong một vài trường hợp, doanh nghiệp phải thay đổi hoặc xóa bỏ các hệ thống cũ;
- Xây dựng hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống rủi ro: Việc áp dụng nhiều công nghệ lưu trữ và phân tích dữ liệu yêu cầu doanh nghiệp bảo vệ an ninh và an toàn dữ liệu hệ thống.
Việc phải trang bị, đầu tư nguồn lực mà chưa thấy kết quả, lợi ích của chuyển đổi số là một thách thức lớn để các chủ doanh nghiệp quyết định đầu tư cho chuyển đổi số.
Thay đổi văn hóa tổ chức
Các dự án chuyển đổi số sẽ tác động đến mô hình hoạt động của cả doanh nghiệp, quy trình và phương thức làm việc, cơ cấu tổ chức cũng sẽ thay đổi theo. Do đó, doanh nghiệp cần phải sẵn sàng để đương đầu với khó khăn và có những giải pháp, điều chỉnh phù hợp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với bộ máy tổ chức đơn giản, đây không phải là khó khăn quá lớn; tuy nhiên lại là rào cản rất lớn đối với các công ty vừa và lớn do cơ cấu tổ chức phức tạp hơn với nhiều phòng ban, cũng như các cấp quản lý khác nhau. Bởi vậy, các doanh nghiệp lớn cần tích cực truyền thông, đào tạo, tăng cường nhận thức về chuyển đổi số trong nội bộ từ cấp quản lý đến nhân viên.
Hạn chế về nhận thức và năng lực triển khai
Với nhiều doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ thì việc lựa chọn giải pháp và cách thức thực hiện chuyển đổi số là một rào cản lớn. Nếu kế hoạch tốt mà không có nhân lực đủ trình độ thì sẽ khó đem đến những kết quả tốt cho doanh nghiệp. Vì vậy, nhân sự phải có kiến thức và kinh nghiệm không chỉ chuyên môn mà còn về công nghệ, nhận được sự tin tưởng và giao phó của cấp lãnh đạo. Doanh nghiệp quy mô càng lớn thì rào cản này càng khó khăn, phức tạp.
Hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số
Hiện nay các giải pháp chuyển đổi số trong và ngoài nước rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, để xác định được đâu là giải pháp phù hợp với điều kiện, nhu cầu của doanh nghiệp thì không hề đơn giản. Đặc biệt với những doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, họ cần các giải pháp công nghệ phức tạp và tốn nhiều chi phí. Dưới đây là các nhu cầu phổ biến của doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số:
- Cần các tổ chức độc lập giúp doanh nghiệp đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ. Đây cũng là thông tin hữu ích để các đơn vị cung cấp giải pháp có cơ sở để hoàn thiện các giải pháp của mình;
- Có đầy đủ thông tin minh bạch, chính xác về các khía cạnh trong chuyển đổi số: tính sẵn sàng, hiệu quả của giải pháp, phân tích công nghệ số, rủi ro, kinh phí đầu tư,…;
- Nghiên cứu ví dụ thành công để học hỏi các kinh nghiệm từ họ.
Rào cản trong chuyển đổi số theo quy mô doanh nghiệp
Rào cản khó khăn trong doanh nghiệp siêu nhỏ
Kết quả cho thấy, 52,9% doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn nhiều nhất trong chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số (52,9%). Các rào cản còn lại được đánh giá phổ biến gồm có thiếu thông tin về công nghệ số; khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh và thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số với lần lượt 41,2%, 35,3% và 35,3% các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Trong khi đó, chỉ có 14,7% doanh nghiệp siêu nhỏ gặp vướng mắc trong việc thiếu cam kết và hiểu biết của người lao động. 11,8% công ty lo lắng về vấn đề rò rỉ thông tin cá nhân/doanh nghiệp.
Rào cản khó khăn trong doanh nghiệp nhỏ
Tương tự như các doanh nghiệp siêu nhỏ, các công ty gặp nhiều khó khăn nhất với vất đề chi phí đầu tư và ứng dụng công nghệ cao (57,8%). Các rào cản được đánh giá là phổ biến khác bao gồm thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số và khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh với lần lượt 52,2%, 48,9% và 46,7% doanh nghiệp nhỏ.
Về vấn đề thiếu cam kết và hiểu biết của người lao động, cũng như rò rỉ thông tin mật, số doanh nghiệp gặp khó khăn chiếm ít hơn, chỉ 24,4% và 25,6% so với tổng các công ty nhỏ.
Rào cản khó khăn trong doanh nghiệp vừa
81,3% doanh nghiệp vừa cho rằng rào cản lớn nhất đến từ khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh. 75% số doanh nghiệp gặp vấn đề với việc thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số. Đặc biệt, lượng doanh nghiệp khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp công nghệ nhiều hơn so với những công ty cùng quy mô, chiếm 62,5%. Chỉ có 37,5% và 18,8% doanh nghiệp cho rằng việc thiếu thông tin về công nghệ số và rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp là rào cản chuyển đổi số đối với doanh nghiệp của mình.
Rào cản khó khăn trong doanh nghiệp lớn
Đối với doanh nghiệp quy mô lớn, 64,8% cho rằng chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ cao là rào cản lớn nhất. Mặc dù, các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số từng phần nhưng việc tiến tới chuyển đổi số toàn diện theo mục tiêu của doanh nghiệp đòi hỏi đầu tư khá nhiều chi phí, thời gian và nhân lực triển khai. Việc thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh được đánh giá bởi 62% doanh nghiệp lớn, là rảo cản lớn thứ hai.
Ngoài ra, các rào cản được nhiều công ty lớn đánh giá là phổ biến bao gồm thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thiếu thông tin về công nghệ số, và thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số với lần lượt 60,6%, 53,5% và 43,7% doanh nghiệp.
Nhu cầu chuyển đổi số và giải pháp công nghệ của doanh nghiệp
Nhu cầu chuyển đổi số theo nghiệp vụ của doanh nghiệp
Hiện nay có 5 nhóm nhu cầu chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp, gồm: quản trị và tự động hóa quy trình, trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh, toàn diện và tích hợp hệ thống, môi trường làm việc và chuỗi cung ứng.
Trong đó, 45,4% doanh nghiệp tìm đến các giải pháp chuyển đổi số trong quản trị và tự động hóa quy trình, 43,1% doanh nghiệp có nhu cầu số hóa trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh, 43,1% quan tâm đến Chuyển đổi toan diện và tích hợp hệ thống. Còn lại tỷ lệ công ty quan tâm đến chuyển đổi số môi trường làm việc và chuỗi cung ứng lần lượt là 41,7% và 35,3%.
Nhu cầu giải pháp chuyển đổi số theo quy mô doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có ba khía cạnh chính họ cần quan tâm khi chuyển đổi số, gồm: trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh, quản trị và tự động hóa quy trình, chuyển đổi toàn diện và tích hợp hệ thống.
Trong đó, phần trăm doanh nghiệp siêu nhỏ quan tâm các giải pháp về ba vấn đề trên đều chiếm 32,4%. Riêng các doanh nghiệp nhỏ, 50% công ty tìm đến các giải pháp số hóa toàn diện, 46,7% doanh nghiệp có nhu cầu về giải pháp quản trị và tự động hóa quy trình. 44,4% tìm đến các giải pháp liên quan đến môi trường làm việc.
Khác với các công ty vừa và nhỏ, doanh nghiệp quy mô vừa có nhu cầu về các giải pháp chuyển đổi số liên quan chủ yếu tới môi trường làm việc (75%), sau đó tới quản trị và tự động hóa quy trình (68,8%).
Cuối cùng, các công ty quy mô lớn, 49,3% doanh nghiệp chú ý đến việc chuyển đổi số việc quản trị và tự động hóa quy trình. Sau đó tới trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh (49.3%), môi trường làm việc (43,7%) và chuỗi cung ứng (32,4%). Cuối cùng là các giải pháp chuyển đổi toàn diện và tích hợp hệ thống (39,4%)
Nhu cầu giải pháp công nghệ với doanh nghiệp mới bắt đầu chuyển đổi số
Khi mới chuyển đổi số, đa phần các doanh nghiệp quan tâm đến các giải pháp tối ưu tiếp thị trực tuyến (57%); sau đó đến số hóa các công việc, chu trình làm việc nội bộ (53,7%). 43,3% doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi trong giao dịch điện tử; 39.6% tìm đến giải pháp hạ tầng mạng và dữ liệu. Riêng với quản lý nhân sự và kế toán thì lượng doanh nghiệp quan tâm chỉ chiếm 35,8% và 27,8%.
Nhu cầu giải pháp công nghệ với doanh nghiệp đang tăng tốc
Đối với các doanh nghiệp tăng trưởng, họ có nhu cầu khác đối với chuyển đổi số, tập trung chủ yếu đến giải pháp phức tạp hơn. Nhiều nhất là các doanh nghiệp tìm đến giải pháp Phân tích dữ liệu và báo cáo thông minh (BI, Big Data, Data Warehouse) (63,5%). Tiếp đó là lượng doanh nghiệp muốn áp dụng công nghệ quản lý hệ thống khách hàng (CRM) và quản lý kênh bán hàng (Omni Channels) (60,7%). Cuối cùng, có 57,8% công ty tìm đến giải pháp về hệ thóng hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP); 50,2 % mong muốn các giải pháp về an toàn dữ liệu (Database & Security).
Nhu cầu giải pháp công nghệ với doanh nghiệp có xu hướng xuất khẩu
Các doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu khác biệt về chuyển đổi số do đặc thù về ngành. Các giải pháp công nghệ tập trung chủ yếu vào các hoạt động liên quan đến trao đổi và cung cấp hàng hóa xuyên biên giới. Cụ thể, 43,9% doanh nghiệp cần hỗ trợ từ các Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như: xây dựng và duy trì tài khoản, tạo mô hình kinh doanh, tiếp thị, vận chuyển khi tham gia các sàn thương mại điện tử. 42,3% công ty có nhu cầu về giải pháp vận chuyển, kho bãi, logistics xuyên quốc gia. Cuối cùng, 35,5% doanh nghiệp cần giải pháp thanh toán đa quốc gia.